Quản lý Dropshipping trên Odoo 13

Cách để quản lý quy trình bán hàng Dropshipping trên Odoo 13

Phương Đỗ

Dropshipping là gì?

Dropshipping là “bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển”. Đó là phương pháp bán lẻ mà cửa hàng không cần lưu trữ hàng hóa trong kho. Mà thay vào đó bạn chuyển các đơn đặt hàng và chi tiết lô hàng của khách hàng tới một nhà sản xuất hoặc một nhà cung cấp khác. Những người này sau đó sẽ giao hàng trực tiếp tới khách hàng. Với phương thức kinh doanh này, nhà bán lẻ không cần kho hàng và hàng hóa trong kho cũng như không cần quan tâm về khâu vận chuyển hàng hóa. Bên dưới là hình ảnh minh họa quy trình bán hàng Dropshipping.



Bạn có thể hiểu theo cách đơn giản đó là bạn mua sản phẩm ở một nơi giá thấp và bán nó ở một nơi với giá cao hơn và kiếm lời từ khoản chênh lệch đó. Lợi nhuận mà bạn dành được chính là chênh lệch giá giữa nhà cung cấp và giá mình bán cho khách hàng đã trừ đi chi phí vận chuyển. Khoản chênh lệch nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào loại sản phẩm và cách bạn chọn nhà cung cấp.


Với mô hình bán hàng Dropshipping, ưu điểm của nó là:

  • Không mất quá nhiều chi phí hoặc không mất một đồng vốn nào

  • Không tốn thời gian và công sức trong khâu nhập và lưu trữ hàng

  • Dễ dàng bắt đầu, thời gian xoay vòng vốn nhanh, linh động

  • Địa điểm linh hoạt, không ràng buộc địa điểm, chỉ cần làm việc thông qua Internet


Từ tính chất và ưu điểm riêng của Dropshipping, có thể nói mô hình này phù hợp với tất cả các đối tượng bao gồm cả nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên... Dropshipping đã và đang rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Một số các nhà cung cấp và trang thương mại điện tử nổi tiếng với mô hình quản lý Dropshipping hiện nay như: Aliexpress, Ebay, Shopify, Amazon, Shopee, Lazada... 


Trên Odoo, ngoài quy trình bán hàng thông thường xuất hàng từ kho, bán hàng theo đơn đặt hàng (Replenish on order (MTO)), Odoo cũng cho phép người dùng bán hàng theo mô hình Dropshipping. Để biết hệ thống Odoo quản lý Dropshipping như thế nào, các bạn theo dõi cách cấu hình và phương thức hoạt động Dropshipping bên dưới nhé!

Cấu hình trên Odoo

Đầu tiên, để áp dụng quy trình bán hàng theo mô hình Dropshipping trên Odoo, người dùng cần cài đặt tính năng Dropshipping tại menu: Purchase > Configuration > Settings > Dropshipping



Sau khi cài đặt Dropshipping, hệ thống sẽ xuất hiện một Route mới (Inventory > Configuration > Routes > Dropship) với địa điểm nguồn là nhà cung cấp "Suppliers" và địa điểm đích là  khách hàng "Customers" như hình bên dưới.



Theo như cấu hình Route cho Dropship, hệ thống cho phép chọn phương thức áp dụng cấu hình cho Dropshipping dựa vào thông tin "Applicable On". Có 04 phương thức áp dụng Dropshipping:

  • Warehouse

  • Product Categories

  • Products

  • Sales order lines


Trong 04 phương thức này, hệ thống mặc định bật cấu hình Dropshipping trên Product Categories, Products và Sales order lines. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể cấu hình lại để lựa chọn các phương thức áp dụng cho phù hợp. Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết các bước cấu hình và cách hoạt động cho những cấu hình mặc định này nhé!


Cấu hình trên sản phẩm


Người dùng có thể cấu hình sản phẩm có sử dụng Dropshipping hay không trên menu: Sales > Products > Products > Tab: Inventory > Routes. Chọn Routes là "Dropship" để hệ thống tự động bán hàng theo mô hình Dropshipping khi khách hàng mua sản phẩm này.



Dĩ nhiên, người dùng cần định nghĩa nhà cung cấp nào sẽ là đối tượng bán hàng Dropshipping cho sản phẩm này tại tab Purchase của product: Sales > Products > Products > Tab: Purchase > Vendors.



Cấu hình trên Product Categories

Ngoài việc cấu hình Route với "Dropship" trên từng sản phẩm, người dùng cũng có thể cấu hình Route là "Dropship" cho một nhóm sản phẩm tùy vào nhu cầu. Để cấu hình trên Product Category, chúng ta vào menu: Inventory > Configuration > Product Categories



Tại trường thông tin Routes, chọn Routes là "Dropship" để xác định nhóm sản phẩm áp dụng quy trình bán hàng theo Dropshipping.


Cấu hình trên Sales order lines


Trong trường hợp người dùng mong muốn vừa có thể bán hàng theo phương thức thông thường (lấy hàng từ kho để xuất hàng) vừa có thể lựa chọn bán hàng theo Dropshipping đối với một sản phẩm nào đó thì người dùng cần bật tính năng cho phép chọn Routes trên đơn hàng bán (Sales order): Inventory > Configuration > Settings > Multi-step Routes.


 


Chú ý rằng: Trên Odoo 13 có sự thay đổi so với Odoo 12 trước đó. Với Odoo 12, chúng ta có một cấu hình riêng dành cho tính năng này tại menu: Sales > Configuration > Settings > Order-Specific Routes (Multi-step Routes trên Inventory phải được bật lên để thấy được cấu hình này). Tuy nhiên, trên Odoo 13 tính năng này đã được tích hợp sẵn trên Sales mà không cần bật cấu hình "Order-Specific Routes" như trước nữa.


Cách thức hoạt động

Như được giới thiệu trong mục cấu hình, mỗi cách cấu hình Dropshipping sẽ có cách thao tác áp dụng Dropshipping khác nhau. Nhưng nhìn chung có 02 phương thức để bán hàng theo mô hình Dropshipping cho sản phẩm của bạn:

  • Cách 01: Mặc định sản phẩm / nhóm sản phẩm  luôn bán hàng theo mô hình Dropshipping

  • Cách 02: Chọn loại hình bán hàng Dropshipping hoặc không Dropshipping cho sản phẩm trên đơn hàng bán


Cách 01: Mặc định sản phẩm luôn bán hàng theo mô hình Dropshipping


Đối với cách thức hoạt động này, sản phẩm của bạn phải được cấu hình mặc định Routes là "Dropship" trên thông tin sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm (Product category). Nghĩa là khi có bất kỳ đơn đặt hàng từ khách hàng đối với sản phẩm này, hệ thống luôn mặc định là bán hàng theo mô hình Dropship.

Ví dụ: Sản phẩm "Office Chair Black" đã cấu hình "Route: Dropship" và nhà cung cấp "NCC-Dropship" trên form thông tin sản phẩm. Tại menu: Sales > Orders > Quotations, người dùng tạo một đơn bán hàng "S00065" cho sản phẩm này như hình bên dưới:



Sau khi xác nhận báo giá, đơn hàng của bạn đang ở trạng thái "Sales Order" nhưng không hề xuất hiện đơn giao hàng "Delivery Order" như đơn hàng bình thường. Đây chính là đặc điểm nổi bật của mô hình Dropshipping bởi vì đơn giao hàng "Delivery Order" là thuộc phạm vi quản lý của nhà cung cấp đơn hàng này. 


Lúc này, kiểm tra đơn đặt hàng cho nhà cung cấp tại menu: Purchase > Orders > Requests for Quotation, hệ thống đã tự động tạo một đơn đặt hàng cho nhà cung cấp "NCC-Dropship" để giao hàng cho khách hàng ở trạng thái "Draft"



Tiếp đến, người dùng xác nhận đơn đặt hàng cho nhà cung cấp này bằng nút "Confirm Order" để nhà cung cấp chuẩn bị giao hàng cho khách hàng.



Sau khi xác nhận đơn đặt hàng, lúc này hệ thống sẽ tạo ra đơn giao hàng Dropshipping "DS/0002" từ địa điểm Nhà cung cấp đến địa điểm Khách hàng. Tương tự, trên đơn hàng bán "S00065" cũng đã xuất hiện đơn giao hàng Dropshipping này "DS/0002" để theo dõi quá trình giao hàng.



Người dùng tiếp tục bấm nút "Validate" trên đơn giao hàng Dropshipping để hoàn tất quá trình giao hàng từ Nhà cung cấp đến Khách hàng. Hình bên dưới là thông tin "Stock Moves" cho sản phẩm đã bán hàng theo loại hình Dropship, tất cả quá trình không đều xuất phát từ kho Nhà cung cấp đến Kho khách hàng, không hề thông qua quá trình nhập kho và quản lý tồn kho như quy trình bán hàng thông thường.



Cách 02: Chọn loại hình bán hàng Dropshipping hoặc không Dropshipping cho sản phẩm trên đơn hàng bán


Đối với phương thức này, như được nêu trên phần cấu hình, sản phẩm của bạn không cần chọn "Route: Dropship" mà thực hiện thao tác chọn Route: Dropshipping trên đơn bán hàng (Sales Order).


Ví dụ: Chúng ta đang có sản phẩm "Drawer Black" vừa có thể lấy hàng trong kho để bán vừa bán hàng Dropshipping từ nhà cung cấp "NCC-XYZ". Trường thông tin Route không bật "Dropship".



Trên đơn hàng bán cho khách hàng, người dùng chọn sản phẩm "Drawer Black" và Route tương ứng để xác định bán hàng theo Dropshipping hay không:

  • Nếu chọn trường thông tin Route là "Dropship" có nghĩa là sản phẩm này được bán theo mô hình Dropshipping

  • Nếu trường thông tin Route để trống có nghĩa là sản phẩm này được bán theo mô hình thông thường.

Chú ý: Để hiển thị trường thông tin Route trên Sale order để chọn phương thức bán hàng, người dùng bấm icon 3 chấm trên bảng "Order Lines" và chọn "Route" như hình:


Trên trường thông tin Route, người dùng chỉ cần chọn phương thức bán hàng là "Dropship" nếu muốn bán hàng theo dạng Dropshipping.



Khi đã chọn "Dropship" trên đơn hàng, người dùng tiếp tục xác nhận đơn hàng để tiếp tục quy trình bán hàng Dropshipping giống như các bước trên cách 01.


Kết luận

Từ 02 phương thức tạo đơn hàng với mô hình Dropshipping, tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp mà chúng ta chọn cách tạo đơn hàng Dropshipping phù hợp nhất. Trên bản Odoo 13, tuy có một vài sự thay đổi về cấu hình cũng như cách hoạt động so với các phiên bản trước đó nhưng nhìn chung sự thay đổi này hướng đến sự đơn giản và dễ dàng cho người dùng khi sử dụng phần mềm. 


Một điểm khác cần chú ý về thứ tự ưu tiên trên cấu hình Route với "Dropship". Chúng ta có 04 cách để cấu hình: Trên Warehouse, trên Product Category, trên Products và trên Sale order lines. Nếu có nhiều Route khác nhau được cấu hình trên 04 phương thức này thì hệ thống sẽ ưu tiên cấu hình nào? Thực ra, hệ thống sẽ ưu tiên cấu hình cụ thể sau đó mới tới cấu hình chung. Thứ tự ưu tiên nhất sẽ là cấu hình trên Sales order lines, sau đó đến Products, Product categories và cuối cùng là Warehouse. Như vậy, dựa vào thứ tự ưu tiên này các bạn nhớ áp dụng cho đúng nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ kế tiếp!